Thứ ba,07/01/2025
Chào mừng Quý vị và các bạn đến trang web trường Tiểu học Lý Thường Kiệt

Cô trò vượt khó ở vùng biên

Quản Trị 04/01/2017 Lượt xem:165

Biên phòng – Quãng đường hơn 300 cây số từ Hà Nội lên đến huyện Bắc Quang (Hà Giang) và hơn 40 cây số từ trung tâm huyện Bắc Quang vào đến xã Trung Sơn cũng không nhằm nhò gì so với 5 cây số từ xã vào tận các điểm trường. Con đường ngoằn nghoèo, cứ khoảng vài trăm mét lại có những ổ voi to chình ình, bùn đất nhão nhoét khiến mấy anh thanh niên to khỏe cũng phải lắc đầu: “Cô giáo lên chở đi, anh chịu”.

Giờ ra chơi của cô và trò điểm trường Mầm non Trung Sơn. Ảnh: Nguyên Bảo

Gian nan đường tới trường

Xã Trung Sơn là điểm đến tiếp theo của đoàn chúng tôi trong chương trình “Cơm có thịt” lần này. Với sự dẫn dắt của “thổ dân” là thầy giáo Nguyễn Văn Mười, cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Quang, nên hành trình đến từng điểm trường cũng bớt lạ lẫm hơn. Đoàn mượn được mấy chiếc xe máy để vào các điểm trường. Những “tay lái cứng” ở thành phố cũng dở khóc, dở cười bảo: “Cô giáo chở đi, anh chịu” và ngoan ngoãn ngồi sau các cô giáo bản địa khi vừa đi được vài trăm mét. Đây là con đường duy nhất, nếu muốn vào sâu bên trong, nhưng mấy hôm nay mưa, nên xe máy phải dè chừng từng li từng tí.

Cô giáo Mai Thị Duyên, Trường Mầm non Hữu Sản, xã Trung Sơn cười hóm hỉnh trước những cái chau mày, nhăn mặt của thành viên trong đoàn. Cô an ủi: “Các anh chị chưa đi quen thôi, chứ giáo viên bọn em ngày nào cũng phải vượt qua quãng đường còn vất vả hơn gấp nhiều lần, để đến được những thôn bản vùng cao, nằm vắt vẻo lưng chừng núi, dạy chữ cho các con”.

Cả Trường Mầm non Hữu Sản có tổng số 254 trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Nhưng vì nhà các em cách trường chính quá xa nên phải chia thành 3 điểm trường rải rác. Ngoài trường chính thì điểm Trung Sơn có 42 trẻ; Thượng Nguồn có 41 trẻ; Khuổi Luồn có 34 trẻ. Vì các điểm trường không có chỗ ở nên các em phải đi về mỗi ngày. Có em nhà cách trường tầm hơn 10 cây số, phải thức dậy từ lúc sớm, bố mẹ dẫn đến lớp gửi cô xong là vội vàng lên rẫy. Theo cô giáo Duyên, 95% học sinh ở đây là dân tộc thiểu số như: Pà Thẻn, Mông, Tày. Bố mẹ các em chủ yếu làm nông nghiệp, thường ở trên nương nên việc học hành của các con không mấy quan tâm.

Ngoài chuyện ở, thì câu chuyện về bữa ăn của các em cũng không khỏi xót xa. Ở lứa tuổi mầm non, tuổi ăn tuổi lớn, nếu là trẻ con ở thành phố thì cơm thịt, trứng sữa là điều không có gì xa lạ. Còn với các em ở đây, bữa cơm quen thuộc chỉ là một ít cơm trắng, vài lát măng muối mỏng và nhúm cá khô queo quắt. Cũng theo cô Duyên, có măng muối, cá khô là “tươm tất” lắm rồi. Có nhà chỉ chuẩn bị được cho các em ít cơm, vài hạt muối trắng rắc lên, cho vào cặp lồng là xong.

“Nhìn các con ăn uống kham khổ, chúng tôi thương lắm, nhưng không có cách nào giúp các con. Trẻ em ở đây cứ sinh ra và lớn lên như nhành cây, ngọn cỏ. May được sự quan tâm từ xã hội, nên gần đây, cô trò được động viên nhiều hơn, khó khăn cũng đã vơi bớt” – Cô Duyên ngậm ngùi chia sẻ.

Trèo đèo, lội suối để “ươm” những mầm xanh

Ở đây, mùa mưa hay mùa khô đều là nỗi ám ảnh khủng khiếp của cô trò. Mùa mưa thì mưa đến dầm dề, đường nhão nhoét, rất khó để di chuyển. Còn mùa khô lại là mùa rét, lạnh đến thấu xương, thấu thịt mà các em học sinh ở đây cũng chỉ có chiếc áo mỏng khoác hờ hững. Như hôm nay, giữa cái rét buốt “tận óc” thế này, đoàn chúng tôi khăn, áo kín cổ, bốt cao mà vẫn run bần bật, vậy mà các em vẫn nhét đôi chân của mình trong đôi dép tổ ong mòn trước mòn sau. Có em trên người đơn độc chiếc áo len mỏng manh, chiếc quần âu xoắn lò xo lên quá gối. Khi đoàn chúng tôi tiến hành trao quà, những gương mặt trong veo không giấu nổi sự hoan hỉ, có lẽ với các em, đây là lần đầu tiên được biết đến chiếc áo có lót bông với màu sắc rực rỡ như thế.

Cuộc sống của các cô giáo ở đây cũng gian nan như hành trình gieo chữ cho các em. Cả trường chính và 3 điểm trường có tất cả 25 giáo viên. Mỗi ngày, các cô không chỉ lo dạy chữ cho các em, mà còn lo lắng mỗi khi thấy sĩ số lớp học có chút vơi đi. Cô Lục Thị Thanh Thản (Hiệu trưởng Trường Mầm non Hữu Sản) cho biết: “Học trò nghèo vùng cao thiếu đủ thứ, từ cái ăn, cái mặc cho đến sự quan tâm của phụ huynh, nên giờ mà thiếu đi tình yêu thương của các thầy cô thì không biết bao giờ các con mới biết đến được với “cái chữ”. Muốn một cây trưởng thành, có bóng mát thì phải bắt đầu bằng việc ươm mầm và chăm sóc”.

Làm giáo viên ở những vùng cao, nỗi khó khăn không chỉ là đường sá đi lại, thu nhập hay thiếu thốn cơ sở vật chất mà nó còn là những nỗi sợ vô hình khi sĩ số đến lớp ngày một giảm. Theo lý lẽ của người dân nơi đây, thiếu cái chữ không chết mà thiếu cái ăn mới chết, nên việc thuyết phục cho các con tiếp tục đến trường không hề đơn giản. Rất nhiều lần, các cô giáo đã phải vào tận nhà nói chuyện để động viên bố mẹ cho con em mình tiếp tục được đến trường.

Mang tiếng là điểm trường, nhưng ở Trung Sơn không có một phòng học đàng hoàng nào. Mấy gian nhà lợp sơ sài, mùa nắng còn đỡ, chứ những ngày mưa thì nhớp nháp, ẩm thấp, gió lùa thốc vào. Đến những đồ chơi, dụng cụ học tập cũng được các cô giáo “phát minh” từ những đồ phế phẩm như: Vỏ lon bia, lốp ô tô, giấy báo cũ… Nhưng hằng ngày, cô và trò các điểm trường Trung Sơn vẫn đều đặn đến lớp. Các cô giáo vẫn kiên định bám trụ ở đây, nhọc nhằn “gieo” những “mầm xanh” trên vùng đất cằn cỗi.

Nguyên Bảo

2018-01-04T13:01:20+00:00